(HN) - (TP.HCM)
RSS

Thứ Ba, 4 tháng 2, 2014

Để cảm ơn và ghi nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - Người đã vạch ra con đường đấu tranh giải phóng dân tộc cho các nước thuộc địa trên khắp thế giới, nhân dân Angola đã lấy tên Người đặt cho đại lộ to, đẹp và tráng lệ nhất Thủ đô Luanda.

“Avenida Ho Chi Minh”


Angola là một đất nước xa xôi ở châu Phi. Để đặt chân đến Luanda, chúng tôi phải ngồi máy bay suốt hơn 20 giờ đồng hồ và phải quá cảnh qua Singapore và Nam Phi. Lần đầu tiên đi ngược thời gian (Angola chậm hơn Việt Nam 6 tiếng), cảm giác lâng lâng khó tả. Lên máy bay lúc trời ửng sáng nhưng càng đi, trời càng tối mịt, có cảm giác như đi vào vũ trụ bao la.

Đặt chân đến sân bay Luanda, ngay quầy nhập cảnh, nhân viên an ninh vừa nhìn tôi vừa hát một bài gì đó bằng tiếng Bồ Đào Nha, chân tay nhún nhảy rất vui vẻ. Tiếng Anh lơ lớ, vị nhân viên an ninh hỏi tôi “Anh đến Angola làm gì?”. Tôi bảo mình là người Việt Nam, đến Angola vì nhận lời mời của ngài Đại sứ Angola tại Việt Nam João Mamel Bernardo. Sau cái bắt tay thân mật, vị nhân viên an ninh cười nói to “Việt Nam-Hồ Chí Minh”. Tôi tò mò lẫn ngạc nhiên thú vị. Vì sao vị nhân viên an ninh lại biết đến Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của dân tộc Việt Nam?

Tiếp chúng tôi tại sân bay, Đại sứ João Mamel Bernardo cho biết không chỉ vị nhân viên an ninh kia mà đông đảo người dân Angola đều biết đến Việt Nam và Chủ tịch kính yêu Hồ Chí Minh. “Ngay tại Thủ đô Luanda, đại lộ lớn nhất, đẹp nhất của chúng tôi mang tên Hồ Chí Minh”, ngài Đại sứ mỉm cười cho biết. Nghe đâu, trước khi sang Việt Nam làm đại sứ, ông João Mamel Bernardo từng là giáo viên, sau đó làm giám đốc một sở giáo dục nên có mối quan hệ thân thiết với rất nhiều chuyên gia giáo dục Việt Nam.

Theo vị Đại sứ này Việt Nam không có gì xa lạ với người dân Angola vì hiện nay có khoảng gần 5 vạn người Việt Nam đang làm việc, buôn bán và định cư lâu dài tại đây.

Xe đang chạy rồi dừng lại ngay vệ đường. Phía trước mặt tôi là tấm biển chỉ tên đường ghi rõ “Avenida Ho Chi Minh”. Avenida Ho Chi Minh dịch theo tiếng Bồ Đào Nha nghĩa là Đại lộ Hồ Chí Minh. Nội dung bảng tên, ngoài dòng chữ Đại lộ Hồ Chí Minh, phía dưới còn ghi rõ chức danh là Chủ tịch nước của Việt Nam cùng năm sinh 1890 và năm mất 1969. Trước mặt tôi là một con đường to, đẹp với nhiều làn xe.
Đại lộ mang tên Bác ở châu Phi

Đại lộ Hồ Chí Minh là đường đẹp nhất thủ đô Luanda. Ảnh: Phong Cầm

Theo một cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Angola, Đại lộ Hồ Chí Minh nối liền từ Đường Cách mạng Tháng 10 đi ra hướng Sân bay Luanda. Điểm cuối của đại lộ là nơi dừng chân đẹp nhất để du khách có thể ngắm toàn cảnh Vịnh Luanda - một trong những vùng biển thơ mộng, lãng mạn nhất châu Phi. Theo vị cán bộ này, kéo dài theo hai bên Đại lộ Hồ Chí Minh là các cơ quan đầu não của Chính phủ Angola. Một số cơ quan lớn có thể kể đến như: trụ sở Đảng MPLA (Đảng cầm quyền Angola), Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp, Bộ Giáo dục, Bộ Ngoại giao, Đài truyền hình Angola... Cùng với đó là các trung tâm thương mại và hệ thống văn phòng sang trọng của các thương hiệu nổi tiếng thế giới hiện đang đầu tư, buôn bán kinh doanh tại Angola. Dọc theo đại lộ, cây mọc um tùm, tỏa bóng mát trong tiết trời oi ả của châu Phi. Nhiều người dân Angola đủng đỉnh đi bộ cũng như ngồi tán chuyện vui vẻ. Thi thoảng lại nghe tiếng nhạc xập xình của một vài nhóm thanh niên sau một tuần làm việc mệt mỏi xúm lại để uống bia.

Người là lãnh tụ vĩ đại


“Việt Nam luôn ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân Angola. Việt Nam cũng là nước luôn ủng hộ các hoạt động của Đảng MPLA cho đến tận bây giờ”.


Arrim Tachon, Ủy viên Thường trực Hội cựu chiến binh Angola


Trò chuyện với phóng viên Tiền Phong, ông Arrim Tachon, Ủy viên Thường trực Hội cựu chiến binh của Tổng cục An ninh Nhà nước Angola (ASPAR) cho biết, nhân dân Angola luôn biết ơn Việt Nam vì đã sớm công nhận nền độc lập của Angola. “Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam mà còn là một vị lãnh tụ thiên tài của nhân dân thế giới. Chính Người đã vẽ ra con đường để các dân tộc bị áp bức bởi chủ nghĩa thực dân trên thế giới đứng dậy đấu tranh, giành độc lập dân tộc”, ông Arrim Tachon nói.

Ông Arrim Tachon cho biết thêm, Việt Nam và Angola có nhiều điểm tương đồng. Hai nước đều là thuộc địa của thực dân (Pháp và Bồ Đào Nha) nên dù xa nhau về vị trí địa lý nhưng lại rất gần gũi nhau về nhiều mặt. Việt Nam cũng là nước thứ hai (sau Braxin) công nhận nền độc lập của Angola vào ngày 11 tháng 11 năm 1975.

“Trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, Việt Nam luôn ủng hộ phong trào của Mặt trận Nhân dân Giải phóng Angola (MPLA). Trong quá trình tái thiết đất nước, Việt Nam cũng là nước luôn ủng hộ các hoạt động của Đảng MPLA cho đến tận bây giờ”, ông Arrim Tachon nói.

Nguồn : Tiền Phong

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

máy hút chân không máy thái thịt