(Baodautu.vn) Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cho phép Việt kiều, người nước ngoài mua nhà không chỉ để ở, mà còn có thể sử dụng để kinh doanh.
Bộ Xây dựng vừa công bố Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) lần thứ 11, với quy định khá thoáng khi mở rộng cho các đối tượng là Việt kiều, người nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Bộ Xây dựng vừa công bố Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) lần thứ 11, với quy định khá thoáng khi mở rộng cho các đối tượng là Việt kiều, người nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Hiện tại, theo Nghị quyết số 19/2008/QH12 của Quốc hội, đối tượng là Việt kiều, người nước ngoài được mua nhà ở Việt Nam là rất hạn chế. Chính vì vậy, nếu được thông qua, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ tạo ra cú hích lớn cho thị trường bất động sản (BĐS) hiện nay.
Theo Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), cá nhân nước ngoài sẽ được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán nhà ở, nhưng tối đa không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận và có thể được gia hạn thêm theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đặc biệt, chủ sở hữu còn được cho thuê nhà đất ở để sử dụng vào các mục đích khác mà pháp luật không cấm (đối với chủ sở hữu là tổ chức nước ngoài thì chỉ được sử dụng nhà ở để bố trí cho những người đang làm việc tại tổ chức đó ở). So với Nghị quyết số 19/2008/QH12, thì đây là những quy định hoàn toàn mới, cởi mở hơn và có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển mạnh của thị trường BĐS.
Ông Richard Leech, Giám đốc điều hành Công ty CBRE Việt Nam, người có nhiều năm kinh nghiệm tại thị trường BĐS Việt Nam cho rằng, việc cho phép người nước ngoài sở hữu BĐS tại Việt Nam là một ý tưởng tốt với nền kinh tế, đặc biệt là trong điều kiện thị trường BĐS có một lượng lớn hàng tồn kho như hiện nay. “Nếu Việt Nam cho phép Việt kiều, người nước ngoài được sở hữu và kinh doanh BĐS, nhiều Việt kiều và người nước ngoài sẽ có thêm lý do để gắn bó với Việt Nam”, ông Richard Leech khẳng định.
Ông Huỳnh Anh Dũng, giảng viên cao cấp thuộc Hội đồng Chuyên gia BĐS Mỹ (CRS) cho rằng, việc tháo gỡ rào cản thủ tục cho Việt kiều và người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam không chỉ giải quyết câu chuyện hàng tồn kho, mà còn đảm bảo cho sự phát triển của thị trường BĐS trong tương lai lâu dài...
Theo ông Dũng, nếu tạm tính lượng tồn kho hiện vào khoảng 100.000 sản phẩm, bình quân giá trị mỗi sản phẩm là 3 tỷ đồng, thì thị trường BĐS đang “chôn” khoảng 300.000 tỷ đồng - một số tiền thật sự lớn nếu được khai thông, tái đầu tư vào các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Trong khi đó, có 80.000 người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam và hơn 1,7 triệu Việt kiều nhập cảnh vào TP.HCM mỗi năm. “Nếu những điều kiện nới lỏng này được thông qua, chỉ cần 10% cá nhân nước ngoài mua nhà ở, thì lập tức một lượng tiền lớn được bổ sung cho thị trường”, ông Dũng nói.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, tính đến hết năm 2013, chỉ có hơn 120 Việt kiều, người nước ngoài đã bỏ tiền mua nhà ở tại Việt Nam (chủ yếu là cá nhân kết hôn với công dân Việt Nam). Nguyên nhân là, do quy định hiện hành chỉ cho phép chủ sở hữu nhà ở (là các tổ chức, cá nhân nước ngoài) chỉ được sử dụng nhà ở vào mục đích để ở, chứ không được cho thuê, không được góp vốn, không được kinh doanh như cá nhân trong nước. Trong khi đó, phần lớn Việt kiều, người nước ngoài ở Việt Nam chỉ lưu trú một thời gian nhất định, trong thời gian còn lại, họ có nhu cầu cho thuê hoặc kinh doanh với BĐS đã mua. Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) mở rộng theo hướng cho phép Việt kiều, người nước ngoài mua BĐS không chỉ để ở, mà còn có thể kinh doanh khi cần thiết.
Bình luận về những kiến nghị của Bộ Xây dựng trong việc nới lỏng điều kiện cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, nếu Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) với những điều khoản trên được thông qua, trước mắt, sẽ giúp cải thiện thanh khoản cho thị trường BĐS. “Tuy nhiên, về lâu dài, để thị trường BĐS phát triển một cách bền vững, cùng với việc hạ giá BĐS xuống ngang bằng với các nước trong khu vực; điều mà các nhà làm chính sách và doanh nghiệp kinh doanh BĐS làm là tạo một môi trường đầu tư dễ dàng, cởi mở và thân thiện để người nước ngoài lựa chọn tài sản là BĐS ở Việt Nam”, ông Võ khuyến cáo.
Theo: Tin tức nhà đất
0 nhận xét:
Đăng nhận xét