Đâu chỉ những người con xa phương mới vắng nhà ngày xuân, không ít ông bố bà mẹ từ các tỉnh đổ về TPHCM mưu sinh cũng phải nén tiếng thở dài khi Tết này chẳng thể về sum vầy cùng con cái.
Cha con một nơi, mẹ một nơi
29 Tết, chị Lê Ngọc Hồng, quê Hải Dương, bán rau thịt trong một con hẻm ở đường Phan Đăng Lưu (Q. Bình Thạnh, TPHCM) vẫn tất bật với công việc hàng ngày. Từ đầu tháng, đã nhiều người hỏi thăm chị về ăn Tết không. Và câu trả lời vẫn là cái lắc đầu quen thuộc như bao năm qua.
Ai biết chuyện cũng ngán ngại cho chị. Người phụ nữ trong gia đình gần 15 năm xa nhà kiếm sống, quãng thời gian đó chỉ 3 cái Tết chị sum vầy cùng chồng con.
Thêm một cái Tết, chị Hồng không thể sum họp cùng gia đình.
Ngày chị lên xe vào Nam, cô con gái đầu còn vẫy cánh tay bé xíu tiễn mẹ. Giờ cháu đã lập gia đình sắp sinh em bé. “Lúc đó tôi sẽ về quê chăm cháu một hai tuần. Về ngày thường chi phí rẻ hơn”, chị nói.
Từ lâu, anh Nguyễn Ngọc Thái (quê ở Quảng Ngãi) đã dự định Tết này cùng cực thế nào cũng sẽ về quê chứ anh nhà biền biệt 3 năm. Nhưng rồi đến cuối năm xem lại, nợ vẫn còn đó, nhà cửa năm rồi hư hỏng vì bão lũ cũng chưa sử được, tiền chi tiêu còn không có, đường nào để anh về quê?
Người cha lại động viên 4 đứa con: “Ngày Tết bán đắt hàng, cha ở lại kiếm thêm, năm sau cha về”. Trong khi, 50 tờ vé số của anh vẫn còn dầy tay do cuối năm thành phố đã vắng người, ít khách mua. Ở thành phố, anh đã làm đủ công việc như chạy xem ôm, bốc vác và mới đây chuyển sang bán vé số.
29 Tết, nhiều người lao động từ các tỉnh xa đến TPHCM vẫn tất bật với công việc mưu sinh. Chuyến về quê sum vầy với gia đình với nhiều người là ước mơ không dễ thực hiện.
Giữa cuộc sống bộn bề khó khăn, bên cạnh những người con xa phương vắng nhà ngày xuân, không ít ông bố bà mẹ xa nhà mưu sinh cũng nén tiếng thở dài. Áp lực tiền bạc một chuyến về quê ngày Tết đã buộc họ đánh đổi khát khao sum vầy cùng gia đình.
“Tình cảm không thể đong đếm nhưng mình nghèo thì phải cân nhắc”, chị Trần Thị Bình, quê ở Vĩnh Phúc, thu mua ve chai cho hay. Chị về Tết, sẽ mất đứt gần 4 triệu tiền xe, chưa kể tiền chi tiêu, quà cáp. Chị tính toán, dành gửi tiền về còn lo được bao nhiêu việc.
Tết không gia đình
Không thể có niềm vui sum họp gia đình nên với những ông bố bà mẹ “bám” phố, Tết là một dịp tranh thủ kiếm thêm đồng ra đồng vào hoặc đơn thuần là một vài ngày nghỉ sau cả năm tất bật.
Một mình xoay xở với xe hủ tiếu ở gần chợ Bà Chiểu khi đêm đã khuya, anh Nguyễn Đức Trọng (quê ở Quảng Nam) cho biết, nhiều năm nay anh không về quê dịp Tết mà ở lại bán hàng. Đàn ông một thân một mình, với anh không có khái niệm Tết. Đêm giao thừa, anh chuẩn bị chai rượu rủ mấy người cùng cảnh ngộ ngồi nhâm nhi.
“Mới đầu mình xa nhà, con còn hỏi năm nay cha về không, giờ chúng đã quen Tết vắng cha rồi. Bao năm rồi không còn nhìn thấy cảnh chuẩn bị Tết của gia đình nữa. Tôi chỉ nghỉ bán mùng Một, sang ngày Hai bán lại, mở hàng sớm còn gặp người này người nọ kiếm niềm vui”, anh Trọng tâm tư.
“Hồng ơi, mày đón Tết thế nào?”, nghe bác khách quen hỏi thăm chị Hồng vừa nhặt rau củ cho khách, cười đáp: “Như mọi năm đến trưa 30 con nghỉ bán, rang ít lạng thịt rồi cắm cơm ăn, loay hoay trong phòng cho hết ngày mùng 3 để đi bán lại. Mình không người thân quen, chẳng có chỗ nào để đến và cũng chẳng ai đến chỗ mình”.
Rồi chị khoe vừa được bà chủ nhà trọ cho cái tivi cũ, năm nay sẽ chị đón giao thừa qua vô tuyến. “Mẹ quen Tết thành phố, cha con quen Tết vắng mẹ mà chẳng thể nào hết buồn được”, bà mẹ của ba đứa con trầm ngâm.
Không người thân quen, Tết của những người lao động "bám" phố sơ sài, đơn giản và cồn cào trong nỗi nhớ gia đình.
Tết của chị Bình đông đúc hơn khi chị thuê căn phòng nhỏ ở gần bưu điện Ngã Tư Ga (Q.12) cùng 6 người phụ nữ khác. Chỉ hai người trong số đó về quê và vẫn mang theo nỗi lo ra Tết sẽ đói dài.
Những người ở lại cũng hùn tiền chuẩn bị ít đồ ăn, kẹo bánh cho có không khí và để an ủi lấy nhau. Mọi năm ngồi bên nhau vào giờ khắc cuối năm mà lòng ai cũng để đâu đâu, người nào cũng sợ người khác thấy mình đang rơi nước mắt. Họ có chung nỗi lòng nhớ nhà quay quắt cũng như trăn trở, con cái thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ rồi đây sẽ ra sao.
Ngày Tết với họ cũng qua mau thôi. Ngay đêm mùng Một các chị đã sửa soạn đi thu gom ve chai ở các nhà hàng rồi lại quay cuồng với nỗi lo mưu sinh.
Hoài Nam
0 nhận xét:
Đăng nhận xét