(HN) - (TP.HCM)
RSS

Thứ Hai, 27 tháng 1, 2014

Những ngày cuối năm, kinh tế khó khăn, đồng tiền khan hiếm, nhiều chủ nợ ráo riết thu hồi các khoản nợ trong năm bằng mọi cách.

Người khôn đòi nợ theo pháp luật, kẻ dại dùng sức mạnh, luật “rừng”... Dưới đây là những ghi nhận của PV về bức tranh bi hài đòi nợ cuối năm, cho thấy sức mạnh của hai chữ “đồng tiền” thật ghê gớm!

Áp đáo đại gia, lấy tiền của cả người chết


Gần một tháng qua, dư luận xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định xôn xao chuyện đòi nợ tiền như trong phim hành động xảy ra tại thôn Vũ Lao, khiến nhiều người dân bất bình. Theo lời kể của chị Trần Thị Hạnh (bị hại): Vợ chồng chị hiện đang nợ vợ chồng ông Trần Văn Vinh và bà Tân (có quan hệ họ hàng, đồng thời là người cùng xã) trên dưới 100 triệu đồng. Do lo nghĩ nhiều đến chuyện tiền nong, chồng chị Hạnh đã đột tử.

Khi còn sống, chồng chị Hạnh có mua bảo hiểm, nên sáng ngày 14/11/2013, bà Nguyễn Thị Hải - trợ lý giám đốc Công ty bảo hiểm AIA Nam Định mang 130 triệu đồng tiền bảo hiểm đến nhà chị Hạnh tại thôn Vũ Lao, xã Tân Thịnh giao tận tay cho gia đình người đã khuất. Chứng kiến việc chi trả tiền bảo hiểm còn có một cán bộ ngân hàng và anh trai chị Hạnh tên Trần Thành Đoàn. Theo đề nghị của gia đình, số tiền 130 triệu đồng được bà Hải cho vào cốp chiếc xe máy Wave PS BKS 30N1-2305 do anh Đoàn điều khiển dựng trong sân nhà chị Hạnh. Ngay lúc đó, nhiều đối tượng xông đến, cậy số đông, chúng ôm chặt chị Hạnh, anh Đoàn (2 người ôm 1 người), để cho đồng bọn cạy cốp xe máy lấy tiền.

Nghe chị Hạnh kêu cứu, dân làng đổ xô đến. Chị Trần Thị Hạnh  đã trình báo công an xã Tân Thịnh và công an huyện Nam Trực. Trao đổi với PV, đại úy Nguyễn Văn Trung, đội phó đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (Công an huyện Nam Trực) xác nhận đơn vị đang thụ lý, giải quyết vụ việc theo đơn tố cáo của chị Trần Thị Hạnh. Theo đó, chị Hạnh tố cáo ông Trần Văn Vinh và vợ là bà Tân đã cướp số tiền bảo hiểm chi trả cho chồng chị. Đại uý Trung cho biết thêm thông tin, hiện ông Vinh đã giao nộp số tiền lấy của gia đình chị Hạnh cho cơ quan CSĐT.

Những hung khí thu được trong các vụ án đòi nợ thuê (ảnh lớn) và một đối tượng bị bắt giữ (ảnh nhỏ).

Một nhân chứng cho biết đã tận mắt chứng kiến ông Vinh và người nhà khống chế chị Hạnh, anh Đoàn. Thậm chí chị Hạnh còn bị cắn mạnh vào tay, vì cố giữ chùm chìa khoá (nghi là khoá xe máy, mà các đối tượng muốn lấy để mở cốp xe máy)...?! Hiện nay, mẹ con chị Hạnh có nhà mà không dám về ở vì sợ bị những đối tượng đòi nợ manh động trả thù.

Doanh nghiệp “kêu trời” vì bị cướp trụ sở


Mới đây, báo Nguoiduatin.vn có đăng bài phản ánh về hợp tác xã Quyết Tiến được UBND huyện Phú Xuyên cho thuê 1.684m2 đất tại xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội với thời hạn 30 năm. Quá trình hoạt động, bà chủ nhiệm HTX Quyết Tiến Trịnh Thị Nha có huy động vốn, liên kết làm ăn với công ty cổ phần bất động sản Ngọc Lan (trụ sở chính ở bán đảo Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Khi hai bên phát sinh tranh chấp thì có quyền yêu cầu TAND giải quyết. Tuy nhiên, theo phản ánh của HTX Quyết Tiến, toàn bộ trụ sở và nhà xưởng, máy móc sản xuất của HTX Quyết Tiến đã bị công ty cổ phần bất động sản Ngọc Lan tự ý chiếm giữ. HTX Quyết Tiến làm đơn kiến nghị gửi chính quyền huyện Phú Xuyên, UBND TP.Hà Nội và mới đây nhất là Văn phòng Chính phủ.

Tại văn bản số 6522 của Văn phòng Chính phủ ra ngày 6/8/2013, gửi UBND TP.Hà Nội nói rõ: “Bà Trịnh Thị Nha, Chủ nhiệm HTX Quyết Tiến có đơn phản ánh, kiến nghị khẩn cấp việc bà Dương Thị Ngọc Lan, Giám đốc công ty cổ phần bất động sản Ngọc Lan cho vay nặng lãi, sử dụng “xã hội đen” xiết nợ, làm trái hợp đồng ủy quyền để thâu tóm toàn bộ tài sản và hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX Quyết Tiến. Bà Nha đề nghị các cơ quan chức năng ngăn chặn hành vi trái pháp luật của bà Lan... Văn phòng Chính phủ chuyển đơn của bà Nha đến UBND TP.Hà Nội để chỉ đạo việc kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật và thông báo cho Văn phòng Chính phủ biết kết quả”.

Để làm rõ những thông tin liên quan đến vụ việc này, PV đã có buổi làm việc với phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Xuyên. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó phòng TN&MT khẳng định: Đến thời điểm hiện tại, UBND huyện Phú Xuyên chưa ra quyết định cho ai thuê diện tích đất đã cho bà Nha thuê. Ngoài ra, chưa có sự chuyển nhượng diện tích đất nói trên từ HTX Quyết Tiến cho bất kỳ cá nhân, pháp nhân nào.

Cũng theo ghi nhận mới nhất của PV, sự việc kể trên vẫn đang kéo dài dai dẳng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các xã viên, thế nhưng vẫn chưa có động thái nào để xử lý dứt điểm. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia pháp lý, không ai có quyền chiếm giữ diện tích mà HTX Quyết Tiến đã thuê của UBND huyện Phú Xuyên. Tranh chấp đến đâu, ai đúng ai sai, phải đưa ra  TAND để xem xét, giải quyết.

Công ty đòi nợ cũng thành... “hung thần”


Khi rơi vào vòng nợ nần, nhiều chủ nợ đã cầu cạnh đến công ty thu hồi nợ để họ được danh chính ngôn thuận đi thu hồi. Thế nhưng, hoạt động của các công ty này đang bộc lộ không ít biến tướng. Có những công ty đã dùng những đối tượng “ngoài xã hội” để phục vụ cho mục đích của mình.

Đầu tiên, đội ngũ này sẽ “nắn gân” hay còn gọi là “đo máu” thử xem con nợ thuộc dạng gì, độ gan lì đến đâu. Nếu là dân “mềm” có thể nắn được, thì chỉ qua tin nhắn, một cuộc điện thoại xưng danh, hay một vài tay giang hồ nào đó có số má quanh quẩn ở khu vực con nợ đang cư trú thì mọi chuyện sẽ kết thúc, con nợ chắc chắn sẽ cầm cố, chạy vạy mọi cách miễn sao có đủ tiền nộp cho bọn chúng để được yên thân. Nếu con nợ thuộc dạng “rắn”, bọn chúng sẽ bố trí cho vài tên đàn em theo dõi người thân trong gia đình của con nợ để... hăm dọa. Và khi cách thức này không được, bọn chúng mới trực tiếp “ra tay”.

Tại TP.Hồ Chí Minh từng xuất hiện tình trạng “nhân viên thu hồi nợ” của một số công ty có hình thức bặm trợn, đứng trước trụ sở của các doanh nghiệp la lối, khủng bố tinh thần nhân viên. Chúng thậm chí còn tìm đến tận nhà riêng của lãnh đạo doanh nghiệp nhằm đe dọa vợ con ông này gây áp lực yêu cầu trả nợ. Có trường hợp, vừa bước ra khỏi cổng, vị giám đốc bất ngờ bị 4 nhân viên của một công ty đòi nợ thuê khống chế lên taxi đưa về văn phòng đánh đập, đe dọa giết chết để đòi 900 triệu đồng cho chủ nợ. Mỗi lần bị đòi nợ “kiểu” này, nạn nhân chỉ biết gọi điện cầu cứu công an hoặc cảnh sát 113 để can thiệp.

Thủ đô Hà Nội cũng được coi là điểm nóng về hiện tượng đòi nợ thuê. Hẳn dư luận chưa quên, những ngày cuối năm 2012, đã xảy ra một vụ thảm sát kinh hoàng bằng mìn tại Yên Phụ (Hà Nội). Mâu thuẫn cũng bắt nguồn từ việc vay nợ.

Tỷ lệ ăn chia tính theo độ “rắn” của con nợ


Theo tìm hiểu, giá mỗi phi vụ đòi nợ thuê thường dao động từ 20 - 30% trên tổng số nợ mà chủ nợ đòi được. Đối với những con nợ khó đòi, tỉ lệ này sẽ được nâng lên tới 50%. Thông thường, chủ nợ muốn mướn giang hồ chuyên nghiệp thực hiện phi vụ đòi nợ thuê đều phải trình bày giấy tờ chứng minh con nợ đang vay tiền của mình và cố tình chây ỳ không trả. Sau khi có được thông tin, “vệ tinh” sẽ nhanh chóng xác minh con nợ mình sắp đòi thuộc dạng nào, “số má” ra sao để có thể đưa ra tỉ lệ ăn chia với chủ nợ.

Theo Phan Tuấn – Anh Văn (Người đưa tin)
Categories: ,

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

máy hút chân không máy thái thịt